Trong cuộc sống, con người làm nhiều việc dại dột, ngư ngốc hơn so với suy nghĩ trong đầu, làm nhiều điều xấu hơn so với cảm xúc trong lòng, và kết quả đạt được thường cũng không như dự tính ban đầu. Dù có xấu đến đâu, cũng không có người nào suốt đời chỉ làm toàn điều ác. Nhưng gặp một việc gì đó, bất chợt ác tâm hiện lên, biết là không nên nhưng vẫn cố làm, khi sự việc vỡ lở thì lại viện ra đủ mọi lý lẽ để hợp lý hoá sự việc xấu đó.
Ngược lại, có những việc đã làm vì tin chắc là tốt. Nhưng theo thời gian, nhìn lại thì cảm thấy đó là việc làm đáng hổ thẹn và tự nhủ không hiểu sao khi ấy lại hành động như vậy.
Giữa con người với con người, có sự chênh lệch về trí tuệ. Nhưng không một người nào lại muốn tự hạ thấp bản thân khi so với các loài muông thú. Có rất nhiều trường hợp bị xã hội chê cười, hoặc tự mình hối hận vì cứ nghĩ rằng "việc này hợp với khả năng của mình", nhưng đến lúc bắt tay vào làm thì hết hỏng chỗ này lại sai chỗ khác, mà lại toàn hỏng và sai ở những chỗ không thể ngờ tới.
Nhìn những người ôm ấp sự nghiệp và gặp thất bại thì nghĩ là họ ngu dốt hoặc viễn vông. Nhưng thật ra khi lập kế hoạch cho việc đó, họ cũng không đến nỗi dốt nát lắm đâu. Có một nguyên nhân rất lớn trong những thất bại như vậy. Đó là cuộc sống luôn sống động. Xã hội không đứng yên mà luôn vận động. Vì thế nếu không dự đoán hay lường trước được sự biến đổi đó thì người thông minh cũng sẽ gặp thất bại khôn lường.
Kế hoạch do con người hoạch định thường to lớn. Nhưng rất khó dự đoán được là khi bắt tay vào làm sẽ thuận lợi, dễ dàng hay khó khăn, phức tạp, có thể nhanh chóng hoàn thành hay tốn nhiều thời gian. Franklin từng nói: "Gì chứ thời gian thì không bao giờ thiếu. Nhưng khi bắt tay vào việc gì thì luôn thiếu thời gian." Quả đúng như vậy.
Thuê thợ xây nhà, nhờ thợ may áo, có tới tám chín chục phần trăm là chậm. Không phải là do họ cố tình làm chậm. Chẳng qua là vì phương pháp tính toán, cách làm của họ không chính xác. Những lúc đó họ thường bị trách móc vì đã thất hứa. Nhưng đã chắc gì những người trách móc sẽ giữ được lời hứa?
Có anh học trò nọ, rời quê lên tỉnh học, trong lòng tự nhủ: "Chấp nhận mọi khó khăn, ba năm nữa sẽ học thành tài." Lại còn có người, bỏ ra cả đống tiền mua một cuốn sách hay, trong bụng nghĩ thầm: "Chỉ cần ba tháng là sẽ thuộc, thông hiểu cuốn sách". Cả hai trường hợp đã chắc gì thực hiện được lời hứa với mình?
Có người đàn ông, mong muốn trở thành quan chức. "Nếu là mình thì sẽ cải thiện ngay được tình hình. Và nửa năm sau sẽ đổi mới chính sách". Anh ta viết bản kiến nghị gửi lên chính phủ đến cả chục lần. Cuối cùng cũng được tuyển dụng vào hàng quan chức. Thử hỏi xem, sau đó anh ta có thực hiện được đúng như bản đệ trình không?
Có chàng thư sinh nghèo khó: "Ước gì mình có đống tiền. Ngay lập tức sẽ xây trường học khắp nơi trên đất Nhật Bản để cho mọi người có chỗ học tập." Ước sao được vậy. Anh ta trở nên giàu có. Nhưng thử hỏi xem anh ta có thực hiện đúng như suy nghĩ trước đấy hay không?
Những suy nghĩ không tưởng như thế, trong xã hội nhiều vô kể. Đó là vì mọi người thường nhìn nhận vấn đề quá dễ dàng, không suy nghĩ tới khả năng khả thi cũng như dự đoán đúng thời hạn của công việc.
Trong xã hội, lại có những người lập ra một kế hoạch nào đấy. "Sẽ hoàn thành trước khi chết" hoặc "Trong vòng mười năm phải thực hiện". Những người này là nhiều nhất. Những người nói "trong vòng ba năm" hoặc "trong năm nay sẽ thực hiện xong" tương đối ít. Còn "trong tháng này" hay "bây giờ bắt tay ngay vào thực hiện" thì hầu như rất hiếm. Tôi chưa gặp được người nào đã từng "hoàn tất kế hoạch trong mười năm" cả.
Những kế hoạc lâu dài, thoạt nhìn có vẻ như rất tuyệt vời. Nhưng đến thời hạn thì nội dung cụ thể của kế hoạch đó là gì cũng không sao thuyết minh ra được. Nguyên nhân chính là do tính toán thời hạn qua loa. Mặt khác, tự thân kế hoạch đó quá dở.
-----
Trích "Khuyến học", Phúc Trạch Dụ Cát
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét